CHUYÊN ĐỀ MỸ THUẬT -PHẦN LÝ THUYẾT

Tháng Ba 8, 2018 8:38 sáng

Cô: Chu Thị Kim Ngọc – Bí thư chi bộ – Hiệu trưởng nhà trường triển khai phần lý thuyết chuyên đề

CHUYÊN ĐỀ

PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC CỦA HỌC SINH

TRONG VIỆC TỔ CHỨC TRƯNG  BÀY VÀ CHIA SẺ, ĐÁNH GIÁ

SẢN PHẨM THỰC HÀNH MÔN  MỸ THUẬT

THEO PHƯƠNG PHÁP ĐAN MẠCH

 

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thực hiện chủ chương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, theo Nghị quyết 29 của Đảng với mục tiêu “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” , vì vậy việc đổi mới phương pháp dạy học là việc làm thiết yếu và quan trọng nhất. Ở Tiểu học, nguyên tắc dạy học là : Nhẹ nhàng, thoải mái, giờ học hiệu quả, học sinh hứng thú học tập. Dạy học Mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch cũng không nằm ngoài nguyên tắc trên, phương pháp này đã khơi dậy năng lực sáng tạo của học sinh, phát huy tính chủ động, linh hoạt của người dạy góp phần từng bước đổi mới giáo dục.

Môn Mĩ thuật ở trường Tiểu học là một trong những môn học đặc trưng, không nhằm đào tạo hoạ sĩ tương lai hay tạo ra những người chuyên làm về công tác Mĩ thuật mà nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản của cái đẹp để các em tiếp xúc và làm quen với cái đẹp, cảm thụ, yêu quý cái đẹp, biết vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày, giúp các em phát triển toàn diện.

  1. THỰC TRẠNG
  2. Thuận lợi:

Chương trình dạy học Mỹ Thuật theo phương pháp Đan Mạch được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý giáo dục.

Chương trình dạy học Mỹ Thuật  theo phương pháp Đan Mạch được sự đồng thuận cao của các bậc phụ huynh học sinh.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường học tích cực thực hiện chương trình dạy học Mỹ Thuật theo phương pháp Đan Mạch.

Học sinh rất yêu thích môn học thông qua việc thực hiện các hoạt động của việc dạy học Mỹ Thuật theo phương pháp Đan Mạch đặc biệt đối với việc trưng bày và chia sẻ đánh giá sản phẩm thực hành. học sinh có được điều kiện thuận lợi, tâm lí thoải mái để tạo nên niềm yêu thích, đam mê, một kĩ năng thực hành sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng bộ môn Mỹ thuật trong nhà trường.

  1. Khó khăn:

Thực tế cho thấy rằng chất lượng dạy học Mỹ thuật chưa thật sự cao, có nhiều lý do làm hạn chế chất lượng dạy học Mỹ thuật. Song điều cốt lõi là các giáo viên còn vấp phải khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp dạy học (phương pháp dạy học chưa phù hợp) chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh đặc biệt trong việc tổ chức trưng bày và chia sẻ đánh giá sản phẩm thực hành môn Mỹ Thuật theo phương pháp Đan Mạch.

III. MỘT SÔ GIẢI PHÁP  PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC CỦA HỌC SINH TRONG VIỆC TỔ CHỨC TRƯNG  BÀY VÀ CHIA SẺ, ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM THỰC HÀNH MÔN  MỸ THUẬT THEO PHƯƠNG PHÁP ĐAN MẠCH

  1. Giáo viên nắm chắc yêu cầu, mục tiêu và quy trình dạy học Mỹ Thuật theo phương pháp Đan Mạch

Khi giảng dạy, giáo viên Mĩ thuật phải nắm vững những yêu cầu để xây dựng các nội dung liên kết, đặc biệt lưu ý tới 5 lĩnh vực năng lực: kinh nghiệm; kỹ năng và kỹ thuật; phân tích giải trình; thể hiện năng lực truyền thông tin và đánh giá với các chủ điểm chung phù hợp với học sinh tiểu học ở các lứa tuổi khác nhau. Tổ chức lớp học phần lớn được thông qua hoạt động nhóm theo phương châm: Lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sự tương tác, kích thích tư duy sáng tạo, kích thích việc khám phá của HS, tạo hứng thú trong tiết học, kích thích phát triển nhận thức thông qua hoạt động thực tế mà các em được trải nghiệm.

Trên cơ sở lý thuyết giáo dục và giảng dạy Mĩ thuật, giáo viên sẽ tổ chức dạy cho các em học Mĩ thuật qua các hoạt động Vẽ cùng nhau, Vẽ theo nhạc, Vẽ biểu đạt, tạo hình 3D từ các vật tìm được, Xây dựng cốt truyện… Thông qua các hoạt động tạo hình sẽ khơi gợi và phát huy được năng khiếu thẩm mỹ vốn có ở trẻ, gây hứng thú cho các em trước cái đẹp, tiến tới hình thành thị hiếu thẩm mỹ của học sinh trong cuộc sống. Hoạt động giáo dục Mĩ thuật còn góp phần đem lại nhận thức mới, niềm vui, hứng thú và sáng tạo học tập cho trẻ. Việc sử dụng nền nhạc trong các hoạt động Mĩ thuật cũng tạo cho học sinh hứng thú, không khí lớp học vui vẻ, thân thiện.

  1. Phương pháp

Ngoài nội dung kiến thức, giáo viên cần thực hiện các  phương pháp dạy học để hiệu quả tiết học được nâng lên.

Dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch nhằm truyền cảm hứng cho học sinh nên khuyến khích giáo viên kết hợp các kỹ năng, kỹ thuật dạy học với các phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sự tương tác, kích thích tư duy sáng tạo, kích thích phát triển nhận thức thông qua hoạt động thực tế. Giáo viên chỉ đóng vai trò là những người thúc đẩy, biết cần phải thêm chất xúc tác gì vào nước tưới để giúp những cây non ( học sinh) phát triển. Điểm nổi bật của phương pháp dạy học này là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy mà kết hợp nhiều kỹ thuật trong một bài dạy.

         Dạy học Mĩ thuật theo phương pháp phát triển năng lực cho học sinh do Đan Mạch tài trợ (dự án SAEPS) là tích cực, mà ở đó học sinh chủ động, tự lực khai thác tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Phương pháp này đòi hỏi rất nhiều công sức và nỗ lực của người giáo viên, phải tiếp thu những đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học và có sự đầu tư thật tốt nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Mĩ thuật. Phương pháp mới cần sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh trong việc trang bị những vật liệu, ĐDHT khác biệt với phương pháp cũ: Dây thép, giấy vệ sinh, giấy bồi, giấy bìa cứng, các vật liệu dễ tìm khác kết hợp với các ĐDHT truyền thống. Học sinh cũng xem trước bài học để chuẩn bị ĐDHT phù hợp với chủ đề.

Với phương pháp dạy học Mỹ thuật mới của Đan Mạch học sinh như được giải phóng khỏi khuôn mẫu, các em được học mà chơi, chơi mà học, các em được thỏa sức sáng tạo, không bị gò bó, không sợ mình không biết vẽ mà được tự do thể hiện sự sáng tạo. Với 7 quy trình mới là: Quy trình 1: Vẽ cùng nhau và sáng tạo các câu chuyện. Quy trình 2: Vẽ biểu cảm; quy trình 3: Vẽ theo nhạc; Quy trình 4: Xây dựng câu chuyện; Quy trình 5: tạo hình 3D, 2D tiếp cận chủ đề; Quy trình 6: Điêu khắc nghệ thuật, tạo hình không gian; Quy trình 7: Tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn. Học sinh có thể vẽ, xé dán, nặn, tạo hình 3D, 2D làm con rối, tận dụng cá phế liệu, đồ vật tìm được để sáng tạo nên sản phẩm. Không những thế từ việc vẽ, xây dựng câu chuyện tạo cho các em phương thức tư duy hình ảnh liên hệ thực tế, tự tin diễn thuyết tăng khả năng ngôn ngữ biểu cảm vốn sống thực tế của các em, giúp phát triển ở học sinh các khả năng giao tiếp và hợp tác… Mỗi chủ đề, các em thực sự được thỏa sức sáng tạo. Từ những học sinh chưa lần nào hoàn thành được sản phẩm ngay trên lớp đến những em có năng khiếu thực sự đều hào hứng hợp tác với nhau để hoàn thành sản phẩm của nhóm. Sản phẩm trong mỗi chủ đề là sản phẩm của sự hợp tác rất đa dạng và phong phú.

Tổ chức thảo luận chung: Đây cũng là một bước khá quan trọng trong học Mĩ thuật, các em có cơ hội để trao đổi thảo luận đưa ra những ý kiến đề xuất cho bạn và biết chia sẻ cảm nhận của mình về kết quả của nhóm mình, nhóm bạn. Vậy trước khi cho đại diện nhóm trình bày, giáo viên nêu vấn đề để cả lớp tập trung lắng nghe. Phải rèn cho học sinh có thói quen lắng nghe và khuyến khích các em đưa ra nhận xét cụ thể hoặc ý kiến bổ sung cho nội dung nhóm bạn vừa trình bày. Cao hơn nữa là tập cho học sinh đặt vấn đề, nêu câu hỏi tạo tình huống phản biện. Quá trình thảo luận chung nếu điều hành tốt thì sẽ giúp học sinh rút thêm kinh nghiệm khi điều hành thảo luận trong nhóm sau này và kĩ năng hợp tác nhóm của học sinh sẽ ngày một cao hơn.

Giáo viên tóm tắt bổ sung mở rộng thêm làm cho nhận thức của học sinh sâu sắc và phong phú hơn. Từ hoạt động thực hành cá nhân liên kết thành sản phẩm nhóm. Dựa vào bước thảo luận chung này HS có thể lựa chọn nhiều hình thức thể hiện trưng bày ( kể chuyện, hát, sắm vai theo chủ đề) thật sinh động qua tác phẩm sáng tạo của mình, nhóm mình.

  1. Hình thức tổ chức

 Chủ yếu là thực hành theo nhóm, nhóm làm việc sẽ khuyến khích HS giao tiếp với nhau và như vậy sẽ giúp cho những em nhút nhát, thiếu tự tin có nhiều cơ hội hòa nhập với lớp học. Thêm vào đó, học theo nhóm còn tạo ra môi trường hoạt động mang bầu không khí thân mật, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ trên cơ sở cố gắng hết sức và trách nhiệm cao của mỗi cá nhân. HS có cơ hội được tham gia tích cực vào hoạt động nhóm. Mọi ý kiến của các em đều được tôn trọng và có giá trị như nhau, được xem xét, cân nhắc cẩn thận. Do đó sẽ khắc phục tình trạng áp đặt, uy quyền, làm thay, thiếu tôn trọng…giữa những người tham gia hoạt động, đặc biệt giữa GV và HS.

  1. Phát huy tích tích cực của học sinh trong việc tổ chức trưng bày và chia sẻ đánh giá sản phẩm thực hành môn Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch   

Bước 1: Giáo viên tiếp tục theo dõi, quan sát, hướng dẫn học sinh hoàn thiện sản phẩm để chuẩn bị trưng bày.

Bước 2: Tổ chức cho học sinh trưng bày sản phẩm.

Bước 3: Hướng dẫn học sinh thuyết trình về sản phẩm của mình. Gợi ý học sinh khác cùng tham gia đặt câu hỏi để cùng chia sẻ, trình bày cảm xúc, học tập lẫn nhau. Đặt câu hỏi gợi mở để giúp học sinh khắc sâu kiến thức và phát triển kỹ năng thuyết trình, tự đánh giá.

Bước 4: Tổng kết chủ đề, vận dụng sáng tạo.

Giáo viên khuyến khích học sinh:

– Chuẩn bị bài trình bày của nhóm, lôi cuốn tất cả HS cùng tham gia.

– Phát triển trí tuệ ngôn ngữ và khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ.

– Đánh giá phần trình bày của nhóm và các nhóm khác.

– Hình thành mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.

– Hiểu thêm các cách biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình.

Kết quả sau hoạt động này, HS có khả năng:

– Tích cực tham gia vào phần trình bày của nhóm.

– Biểu lộ cảm xúc và ấn tượng về tác phẩm thông qua ngôn ngữ.

– Tự đánh giá sự tham gia của mình và bạn vào qui trình Mĩ thuật.

– Hiểu được mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.

– Hiểu được sự phong phú đa dạng của nghệ thuật tạo hình.

Yêu câu:

Cần không gian rộng để học sinh có thể vận động và di chuyển. Phải có nơi trưng bày tranh, sản phẩm để học sinh dễ dàng quan sát, nhận xét, chia sẻ, đánh giá. Sản phẩm Mĩ thuật không những là các bức tranh một chiều mà là hai chiều ( 2D), ba chiều ( 3D) có thể dựng đứng được sản phẩm đó,….

Trong quá trình thực hành Mỹ thuật giáo viên cần:

– Nhắc nhở học sinh quan sát mẫu, nắm chắc các bước tiến hành.

– GV đến từng bàn quan sát và hướng dẫn các nhóm hoạt động.

– Có thể sử dụng sản phẩm đang làm của học sinh để làm mẫu hướng dẫn bổ sung.

Đặc trưng của dạy học Mỹ thuật là phát huy tính tích cực học tập của học sinh, vì từ kiến thức chung, mỗi học sinh lại tạo cho mình một kết quả riêng, không giống nhau về bố cục, hình ảnh, màu sắc. Điều đó phụ thuộc vào khả năng suy nghĩ tìm tòi sáng tạo và cảm nhận riêng. Do vậy dạy Mỹ thuật chỉ có hiệu quả khi học sinh hứng thú học tập và có cảm xúc về cái đẹp: Cảm xúc -> suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo -> tạo ra cái đẹp.

             Học sinh được thể hiện năng lực, cảm nhận thẩm mĩ về sản phẩm mĩ thuật, được trình bày và chia sẻ lẫn nhau trước tập thể giúp các em mạnh dạn hơn, tự tin phát triển khả năng giao tiếp, kỹ năng trình bày sản phẩm của mình trước đám đông. Các em rất vui và phấn khởi trước thành quả của mình, của nhóm,…

Giáo viên gợi ý, hướng dẫn học sinh tự lựa chọn các sản phẩm đẹp tự nhận xét, đánh giá dưới sự gợi ý của giáo viên. Sau cùng giáo viên sẽ bổ sung, đánh giá.

 Đánh giá kết quả, giáo viên cần lưu ý:

– Sau mỗi câu trả lời của học sinh, giáo viên cần nhận xét, bổ sung đầy đủ, kịp thời. Và muốn học sinh trả lời được các câu hỏi mà mình đưa ra giáo viên phải yêu cầu học sinh quan sát kỹ mẫu ( có thể quan sát theo nhóm). Thảo luận nhóm sẽ giúp học sinh có khả năng làm việc theo nhóm, tạo sự đoàn kết, học hỏi lẫn nhau. Nếu còn thời gian giáo viên có thể tổ chức trò chơi cho học sinh với nội dung liên quan đến bài học, giúp học sinh ghi nhớ kiến thức bài.

– GV nên dành thời gian để nhận xét, đánh giá sản phẩm của học sinh chọn một số sản phẩm tốt để ở góc cả lớp quan sát tốt nhất và nhận xét, đối chứng( giáo viên chú ý nhận xét tỷ mỉ, cặn kẽ, mở rộng,…..có sự động viên, khuyến khích kích thích sự sáng tạo

– Lấy khen ngợi để động viên, khích lệ học sinh là chính, không chê học sinh trước lớp, đánh giá công bằng, khách quan theo các nguyên tắc: Khẳng định – hỏi lại – khuyến nghị.

Cuối tiết học giáo viên nhắc lại và chốt nội dung chính của bài. Khen ngợi học sinh tích cực học tập.

  1. KẾT LUẬN:

Dạy học Mỹ thuật theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, đặc biệt đối với việc phát huy tính tích cực trong việc tổ chức trưng bày và chia sẻ, đánh giá sản phẩm thực hành môn Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch đòi hỏi người giáo viên phải nắm chắc về mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, biết sáng tạo trong tổ chức các hoạt động ở từng tiết học, làm cho hoạt động dạy học Mỹ thuật trở nên lôi cuốn, hấp dẫn hơn, kích thích được hứng thú học tập của học sinh, từ đó học sinh sẽ chủ động, tích cực tiếp cận môn học này, xem mỗi tiết học là một niềm vui từ đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học Mỹ thuật trong nhà trường.

Mỗi giáo viên đứng trước lớp không chỉ truyền đạt kiến thức đầy đủ cho học sinh mà phải gần gũi với học sinh, nắm bắt được tâm tư tình cảm của học sinh, biết được từng đối tượng học sinh để có sự hướng dẫn phù hợp, biết được năng lực của từng em để tạo cơ hội cho các em trong quá trình học, động viên,  khích lệ kịp thời giúp các em tự tin hơn trong học tập từ đó hình thành các năng lực, phẩm chất và kĩ năng sống cho học sinh./.